IT giỏi được săn tìm trong 'mùa đông' việc làm
- 02/08/2023
- 897
Bất chấp nhiều ngành nghề giảm nhu cầu tuyển, các tài năng công nghệ thông tin vẫn được nhộn nhịp săn đón
IT giỏi được săn tìm trong 'mùa đông' việc làm
Bất chấp nhiều ngành nghề giảm nhu cầu tuyển, các tài năng công nghệ thông tin vẫn được nhộn nhịp săn đón.
Thị trường tuyển dụng ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn mùa đông ảm đạm khi nhu cầu thấp ở hầu hết lĩnh vực. Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động, số người có việc làm quý II tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng khu vực Hà Nội của Adecco Việt Nam, cho biết trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp đẩy mạnh tinh gọn cơ cấu nhân sự, tập trung tuyển các vị trí thay thế hoặc chọn lọc hơn. Nhưng để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, đơn vị này cho biết, các công ty lại đang gia tăng tìm kiếm những chuyên gia có chuyên môn dù số lượng vị trí tuyển dụng của các công ty ngành công nghệ thông tin giảm 35% so với cùng kỳ 2022. Các vị trí được tìm kiếm nhiều là chuyên gia về phát triển phần mềm quản trị doanh nghiệp, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, phát triển trên nền tảng kỹ thuật số và phân tích dữ liệu.
Tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) ở TP HCM gần đây, hàng loạt công ty như Larion, TMA, Rakus, SPS vẫn tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin (IT). Những người trong ngành cho hay ứng viên phổ thông không thiếu nhưng để tìm được người giỏi thì vẫn khó khăn.
Quản lý lâu năm làm việc ở một doanh nghiệp có trụ sở tại QTSC cho biết các doanh nghiệm trong ngành hiện khá đau đầu với hiện tượng "oversales", tức các ứng viên có kinh nghiệm (senior) đưa ra yêu cầu lương cao hơn năng lực họ có cho cấp độ thu nhập đó. "Nhiều khi tuyển không ra người nên doanh nghiệp đành 'bấm bụng' chấp nhận", người này nói.
Theo hãng tuyển dụng nhân sự IT TopDev vào 2022, thu nhập trước thuế (lương gross) các lập trình viên có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên ở Việt Nam có thể từ 2.100 đến gần 6.000 USD mỗi tháng tùy thuộc vào chuyên môn và vị trí, từ kỹ sư đến kiến trúc sư, giám đốc công nghệ thông tin. TopDev chưa công bố thống kê cho 2023 nhưng giới tuyển dụng IT cho hay mặt bằng lương năm nay không giảm, thậm chí có nơi tăng nhẹ, dù tình hình kinh tế khó khăn hơn.
Nguyên nhân giúp các IT giỏi dễ thắng trong các cuộc đàm phán "oversales" và giữ mặt bằng lương cao vì độ khan hiếm. Theo chuyên gia làm việc tại QTSC, việc xác định "giỏi" tùy tiêu chí từng công ty nhưng có vài điểm chung.
Ví dụ, trong lĩnh vực phát triển phần mềm, ngoài kinh nghiệm từ 3 năm và kỹ năng lập trình tốt, ứng viên phải có năng lực ở mức cao hơn như thiết kế, phân tích, lãnh đạo nhóm, hoặc/và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực (tài chính, giáo dục, y tế, thương mại điện tử...) hoặc công nghệ (AI, blockchain...). Cùng với đó, họ cần khả năng giao tiếp, ngoại ngữ và làm việc độc lập. Trường hợp cá biệt, một số kỹ sư có thể xử lý những bài toán rất khó mà không cần am hiểu về thiết kế, phân tích, hay lĩnh vực khác vẫn được xem là giỏi.
Kết quả là, không chỉ các công ty chuyên công nghệ thông tin săn người giỏi mà các ngành khác cũng ráo riết tìm IT tài năng. Bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam, lý giải việc sụt giảm đáng kể đơn hàng trong sản xuất dẫn đến xu hướng các nhà máy đang tập trung vào số hóa, tự động hóa, sản xuất tinh gọn và chính sách zero-carbon.
Điều này tạo sự thay đổi trong yêu cầu lao động, với nhu cầu đối với lao động kỹ năng thấp ngày càng giảm. Ngược lại, tìm kiếm nhân lực có chuyên môn về robot, tự động hóa quy trình và công nghệ sản xuất tiên tiến tăng lên.
Cuộc đua "săn" IT giỏi càng náo nhiệt với sự tham gia của các công ty nước ngoài.
Mới cuối tháng trước, tập đoàn Thái Lan Kasikorn Business-Technology Group (KBTG) mở KBTG Việt Nam, đặt trụ sở chính tại TP HCM. Đây là trung tâm thứ ba của họ ở châu Á nhằm thu hút nhân tài công nghệ thông tin (IT).
Nhân sự làm việc tại KBTG Việt Nam. Ảnh công ty cung cấp
Công ty đã bắt đầu săn tìm các tài năng người Việt trong ngành này từ cuối năm ngoái. Với mục tiêu tuyển 200 nhân sự phát triển phần mềm năm nay, ông Thanussak Thanyasiri, Giám đốc điều hành KBTG Việt Nam, nói sẽ hợp tác cùng các trường đại học để chiêu mộ và trao cho các bạn sinh viên IT tài năng cơ hội thực tập. Ông đánh giá các IT tài năng tại Việt Nam đáp ứng được đa dạng lĩnh vực, từ phát triển phần mềm, an ninh mạng, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Hồi tháng 5, tại một hội chợ việc làm ở Hà Nội, 7 doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng thành công sinh viên tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến giành nhân tài IT tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản đang lo lắng nguy cơ thất thế trước các nhà tuyển dụng Mỹ - Âu. "Nhân sự IT có nhiều cơ hội toàn cầu và sự cạnh tranh để giành lấy họ rất khốc liệt", Nikkei đánh giá. Các công ty Nhật Bản đang trả cho sinh viên mới ra trường mức lương khoảng 4 triệu yen (28.500 USD), cao nhất khoảng 5,8 triệu yen (41.000 USD mỗi năm. Trong khi đó, công ty công nghệ thông tin ở châu Âu và Mỹ sẵn sàng trả 70.500 USD cho những người tay nghề cao.
IT giỏi được săn tìm nhưng không đồng nghĩa lao động ngành công nghệ thông tin nói chung dễ dàng tìm việc. Thực trạng chênh lệch cung - cầu ngày càng lớn dần ra. Theo TopDev, Việt Nam cần 600.000 lập trình viên năm nay và 800.000 vào năm sau, nhưng thị trường thiếu hụt từ 175.000 đến 195.000 nhân sự, bất chấp việc có 57.000 sinh viên ngành phần mềm tốt nghiệp hàng năm.
Hãng tuyển dụng này lý giải nguyên nhân là chỉ khoảng 35% sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Theo chuyên gia tại QTSC, sinh viên mới ra trường (fresher) hiện chỉ có xuất thân ở đại học top đầu mới dễ tìm việc trong khi các trường khác khó tìm nơi thực tập, dễ rớt phỏng vấn xin việc hoặc đi làm trái ngành.
"Thị trường đang thiếu 'senior' nhưng rất dư thừa 'fresher'. Thời gian tới sẽ thừa 'khủng' vì có độ trễ từ việc các trường nô nức mở ngành công nghệ thông tin những năm qua", người này nói.
Viễn Thông
(Nguồn: Báo VnExpress)