Cuối năm, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao

  • 11/01/2023
  • 810

(Dân trí) - Quý 4/2022, cả nước có gần 118 nghìn lao động bị buộc thôi việc, mất việc, gần 296 nghìn lao động bị buộc phải nghỉ giãn việc tập trung chủ yếu ở ngành dệt may, da giày...

Cuối năm, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao

(Dân trí) - Quý 4/2022, cả nước có gần 118 nghìn lao động bị buộc thôi việc, mất việc, gần 296 nghìn lao động bị buộc phải nghỉ giãn việc tập trung chủ yếu ở ngành dệt may, da giày...

Đây là con số được nêu lên tại báo cáo về tình hình lao động việc làm quý 4 và năm 2022 do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện, công bố mới đây.

Tốc độ phục hồi thị trường lao động chậm lại

Theo báo cáo, tính chung cả năm 2022, thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý 4 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm. Đặc biệt, lượng lao động trong cả ba khu vực kinh tế đều tăng lên so với quý trước.

Đơn cử, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,1 triệu người, tăng gần 0,3 triệu người so với quý trước và tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,2% so với quý trước và tăng 1,1% cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng Cục Thống kê, quý 4 năm 2022, thị trường lao động đang có xu hướng chậm lại, tình hình thất nghiệp có xu hướng tăng lên so với quý trước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51 triệu người, tăng 239,4 nghìn người so với quý trước và tăng gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,8 triệu người, tương đương với quý trước và tăng 0,9 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

So với quý trước, thu nhập bình quân của lao động ở cả ba khu vực kinh tế trong quý này đều tăng. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động một số ngành kinh tế tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương so với quý trước và cao hơn tốc độ tăng của quý 2, 3/2022.

Mặc dù thị trường lao động đã có những tín hiệu tích cực, nhưng thực tế cho thấy đà phục hồi này có xu hướng chậm lại, tình hình thất nghiệp có xu hướng tăng lên so với quý trước.

Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 4/2022 là hơn 1,08 triệu người, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước và giảm 520,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,32%, tăng 0,04% so với quý trước và giảm 1,24% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,98%, tăng 0,06% so với quý trước và giảm 1,39% với cùng kỳ năm trước.

Dù tình hình thiếu việc làm của người lao động giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng khác với xu hướng những năm trước khi chưa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, quý 4 là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai tăng ca, tỷ lệ thiếu việc làm ở quý 4 thường thấp nhất trong năm thì quý 4 năm nay tỷ lệ này bị đẩy cao hơn.

Gần 118 nghìn lao động bị thôi việc, mất việc

Báo cáo của Tổng cục Thống kê thể hiện, tình trạng thiếu đơn hàng dịp cuối năm do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước Châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm, cùng với đó lãi suất và tỷ giá tăng vọt khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động.

Điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý  năm nay chỉ còn 0,5%, thấp hơn mức tăng gần 1% đạt được của cùng kỳ năm 2019.

Thế giới xảy ra nhiều biến động khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động.

Theo báo cáo, quý 4/2022, trên phạm vi cả nước, số lao động mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tuyển dụng được hoặc tuyển dụng nhưng không đạt yêu cầu là khoảng 263.000 người, giảm một nửa so với quý trước.

Trong đó, số lao động phổ thông bị thiếu hụt cục bộ chiếm 70,4%; lao động có tay nghề chiếm 29,6%. Bên cạnh đó, tình trạng cắt giảm đơn hàng đã xảy ra tại nhiều doanh nghiệp, ở các ngành nghề, địa phương dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập.

Cụ thể, trong quý 4 năm nay, cả nước có gần 118.000 lao động bị buộc thôi việc, mất việc thuộc các ngành sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (34,7%), dệt may, da giày (26,4%).

Gần 296.000 lao động bị buộc nghỉ giãn việc, chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (64,2%), tập trung chủ yếu ở ngành dệt may, da giày (72,5%); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TPHCM (khoảng 36.000 người), Tây Ninh (42.000 người)...

Lẽ ra, thị trường lao động những tháng cuối năm 2022 sẽ sôi động hơn khi các doanh nghiệp tăng cường nhân lực để nâng cao năng suất lao động nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành các đơn hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thậm chí, các doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động trong thời điểm này để phục vụ kế hoạch mở rộng, sản xuất, kinh doanh cuối năm.

Tuy nhiên, trước biến động của thị trường quốc tế và trong nước, những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm.

Trong bối cảnh khó khăn, ưu tiên hiện nay là tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Dự báo thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Các doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn về đơn hàng có thể hết quý 1, thậm chí quý 2 năm 2023.

Do vậy, cơ quan thống kê, dự báo cho rằng, ưu tiên hiện nay là tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực cần được đẩy mạnh.


Sơn Nguyễn