Những quy định bảo vệ lao động giúp việc nhà

  • 05/01/2023
  • 723

(Dân trí) - Người thuê giúp việc nhà phải thông báo việc sử dụng, chấm dứt hợp đồng đối với lao động giúp việc nhà tới UBND xã/phường/thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) để chính quyền tổng hợp, giám sát.

Những quy định bảo vệ lao động giúp việc nhà

(Dân trí) - Người thuê giúp việc nhà phải thông báo việc sử dụng, chấm dứt hợp đồng đối với lao động giúp việc nhà tới UBND xã/phường/thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) để chính quyền tổng hợp, giám sát.

Tại các đô thị lớn ở Việt Nam, giúp việc nhà đang trở thành một nghề phổ biến. Hiện có nhiều người trẻ theo học nghề này chứ không chỉ dành cho những phụ nữ lớn tuổi làm thêm.

Tại TPHCM, trong số 2,5 triệu hộ dân, có hơn 100.000 hộ đang thuê người giúp việc nhà thường xuyên. Số hộ sử dụng dịch vụ giúp việc nhà theo giờ còn lớn hơn.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ học nghề bếp, nghề dịch vụ gia đình để trở thành quản gia, giúp việc nhà chuyên nghiệp (Ảnh: CTV).

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường trung cấp Lê Thị Riêng, nhu cầu nhân lực của ngành này tại TPHCM hiện rất lớn và ngày càng tăng cao.

Ban đầu, các trường chỉ đào tạo các khóa kỹ năng ngắn hạn như làm bếp, chăm sóc người già… Nhưng hiện tại, các cơ sở đào tạo nghề đã phát triển thành ngành Dịch vụ chăm sóc gia đình với chương trình đào tạo trình độ trung cấp, thậm chí là cao đẳng (như tại trường cao đẳng Công Thương Hà Nội), trang bị hệ thống kỹ năng hoàn thiện.

Nghề này cũng đang được quản lý chặt chẽ với 5 điều khoản riêng quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019, từ Điều 162 đến Điều 165. Tháng 12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 145 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, dành riêng 1 chương với 4 điều, từ Điều 88 đến Điều 91, dành cho lao động là người giúp việc gia đình.

Điều 89 Nghị định 145 quy định người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động khi thuê người giúp việc. Trước khi ký kết hợp đồng, người sử dụng lao động phải cung cấp rõ các thông tin về phạm vi công việc phải làm, điều kiện ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động…

Điều 90 Nghị định 145 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động giúp việc gia đình là phải thông báo cho UBND cấp xã trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thuê giúp việc gia đình hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với họ.

UBND cấp xã có trách nhiệm phân công đầu mối theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý.

Ngày 17/1/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 12 quy định cụ thể mức xử phạt các vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình tại Điều 30.

Theo đó, người thuê giúp việc gia đình mà không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, không trả tiền tàu xe đi đường khi lao động là người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú sẽ bị phạt cảnh cáo.

Nếu vi phạm bị phạt cảnh cáo rồi mà tái phạm; không thông báo cho UBND cấp xã việc thuê, chấm dứt hợp đồng với giúp việc gia đình sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Các hành vi sau bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng: Giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình; Không trả cho người giúp việc khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng.

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định cụ thể mức xử phạt các vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình TẠI ĐÂY.

Tùng Nguyên