Lùi tăng lương công chức: "10 năm đi làm, lương 5 triệu đồng, giờ bỏ việc là quá muộn"

  • 27/09/2022
  • 1348

Không chỉ có công nhân, lao động, nhiều gia đình công chức, viên chức cũng đang đối mặt với tình cảnh "chạy cơm từng bữa" vì không được tăng lương, thu nhập giảm.

Lùi tăng lương công chức: "10 năm đi làm, lương 5 triệu đồng, giờ bỏ việc là quá muộn"

Không chỉ có công nhân, lao động, nhiều gia đình công chức, viên chức cũng đang đối mặt với tình cảnh "chạy cơm từng bữa" vì không được tăng lương, thu nhập giảm.

Lương viên chức cấp huyện sau 8 năm đi làm

Chị Nguyễn Thị Y (31 tuổi) hiện là công chức, làm việc ở văn phòng của huyện ủy huyện ngoại thành Hà Nội. Chồng làm cho tập đoàn, công việc thi công công trình thường xuyên phải đi công tác thế nhưng lương lậu cũng chỉ có giảm chứ không thấy tăng lương.

Chị Y chia sẻ, mình đi làm được 8 năm, tăng lương 3 lần (2 lần đúng thời hạn, 1 lần trước hạn) nhưng tới nay lương của chị cũng chỉ đạt 5 triệu đồng/tháng. Nghĩ lại sau 4 năm học hành vất vả, 8 năm đi làm cật lực nhưng chỉ nhận được mức lương không bằng lương anh xe ôm, chị Y không khỏi ngậm ngùi.

 "Mấy năm trước khi chưa có dịch Covid-19, tôi còn được thêm 500 nghìn/tháng tiền phụ cấp công việc. Từ ngày có dịch Covid-19, cơ quan báo không phải đi lại, họp hành ít nên cắt luôn. Giờ dịch đã hết nhưng vẫn chưa thấy được bổ sung lại", chị Y. kể.

Lương thấp, không tăng lương là nguyên nhân chính khiến "làn sóng" công chức, viên nghỉ việc ồ ạt trong thời gian qua. Ảnh: N.T

Chồng chị công việc vất vả, trước đây lương cộng phụ cấp cũng chừng được 15-16 triệu đồng/tháng. Từ 2 năm nay lương cũng giảm chỉ còn chừng 10-12 triệu đồng/tháng. Lương thấp chi tiêu không đủ, vợ chồng chị phải "giật gấu vá vai", ông bà 2 bên thi thoảng cũng tài trợ thêm tiền đi học, đồ ăn... cho các cháu.

"Trước đây vì sinh đôi, tôi phải thuê giúp việc nhưng giờ kinh tế khó khăn, hai vợ chồng tự lo liệu. Cả gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào 17 triệu đồng tiền lương của 2 vợ chồng. Chưa kể 2 đứa con còn đang đi học trường chất lượng cao, mỗi tháng cũng mất 11 triệu đồng. Nếu không có ông bà nội ngoại trợ giúp thì chúng tôi không biết xoay sở kiểu gì", chị Y. kể.

"Nguyên nhân chính khiến công chức, viên chức bỏ việc là tiền lương thấp. Chậm trễ trong việc tăng lương công chức, viên chức khiến nhiều người chán nản. Kèm theo đó là môi trường làm việc trì trệ, không năng động, kém hấp dẫn" - bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động.

Nhiều lúc nghĩ ngậm ngùi, vì nói ra chẳng ai tin, nhưng thật sự chất lượng cuộc sống của vợ chồng chị càng ngày càng đi xuống. Tuy ở chung cư cao cấp (được ông bà cho) nhưng thu nhập, đời sống có khi chưa bằng công nhân, lao động khu công nghiệp.

"Nghĩ đến cảnh, ngày ngày chạy 40km cả đi cả về (từ Hưng Yên đến nơi làm việc) chỉ muốn bỏ việc. Nhưng giờ bỏ thì chẳng biết làm gì vì tôi không giỏi kinh doanh buôn bán", chị Y. nói thêm.

Hiện tại vợ chồng chị đang dự định bỏ việc, tìm kiếm cơ hội xuất cảnh tới Úc làm việc. Ngoài thời gian làm việc, chăm sóc con cái, chị Y và chồng còn cày Tiếng Anh để thi. Nếu trúng tuyển, được đi làm việc ở Úc có thể gia đình chị mới thoát cảnh "chạy ăn từng bữa".

"Nhiều lúc nghĩ đến vấn đề kinh tế, con cái, tương lai thấy mù mịt, mệt mỏi quá, nhưng cũng chẳng biết phải làm sao. Chỉ hy vọng Nhà nước sớm tăng lương cho công chức, viên chức chứ sống thế này khổ quá. Tiền lương không tăng, trước sau gì cũng phải bỏ việc thôi", chị Y chia sẻ thêm.

"Giờ mới bỏ việc là quá muộn"

Đó là tâm sự của anh Nguyễn Văn Điều, 36 tuổi (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Anh Điều từng là viên chức, chuyên viên trong cơ quan công vụ của cấp Bộ. Thế nhưng, sau 10 năm gắn bó, công việc không thăng tiến, mức lương không được điều chỉnh, chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng nên anh Điều chán nản, cuối năm 2021 anh bỏ việc.

"Nhìn lại thấy bạn bè cùng trang lứa làm ăn ngoài, đứa nào cũng khấm khá, cuộc sống tự do. Mình làm trong môi trường Nhà nước, lương thấp, con người trì trệ. Đúng ra phải bỏ việc sớm hơn. Giờ bỏ là còn quá muộn", anh Điều nói.

Anh Điều kể lại: Trước đây làm việc trong môi trường nhà nước, con người cũng trì trệ. Có việc thì làm, không có việc thì ngồi chơi. Ngày đi làm 8 tiếng nhưng thực chất số giờ làm việc chỉ 4-5 giờ là cùng. Xét cho cùng thì lương đó, hoàn toàn tương xứng với công sức một lao động bỏ ra.

8 năm làm công chức nhưng chị Y vẫn chỉ nhận mức lương 5 triệu đồng, thấp hơn cả thu nhập của 1 anh xe ôm. Ảnh: N.T

"Thực ra với chừng ấy công việc, chỉ cần 4-5 nhân viên là đủ, nhưng cơ quan có cả chục người. Làm thì ít chơi thì nhiều. Nếu như bộ máy được tinh giản thì tiền lương của anh em cũng được tăng lên gấp đôi, nhưng điều đó không xảy ra", anh Điều chia sẻ.

Về chủ trương, Đảng, nhà nước ta đang tinh giản biên chế, sắp xếp lại vị trí công việc theo hướng tinh gọn, thế nhưng thực tế ở nhiều đơn vị, 1 người ra lại thêm 3 người vào. Vì vậy, bộ máy càng cắt lại càng phình. Ngay khi anh Điều nghỉ việc, cơ quan lại tuyển dụng thêm người mới ngồi vào ghế thay anh.

Anh Điều kể, giờ dù làm ngoài công việc bấp bênh chút nhưng thu nhập cao hơn trước nhiều. Tháng cũng được tầm 12-13 triệu đồng, chưa kể tiền doanh số bán hàng. Quan trọng nhất là tâm lý mình thoải mái, vì không chịu sức ép hay cảnh cuối tháng nhận đồng lương chết đói, tiêu gì không dám tiêu.

Đáng nói tình trạng cán bộ, công chức, viên chức rời bỏ khu vực công để chuyển sang khu vực tư làm việc vẫn diễn ra trong hàng chục năm qua, tăng cao nhất từ khi xảy ra dịch Covid-19 thì làn sóng bỏ việc trong khu vực công lại càng tăng lên nhanh chóng.

Trong 7 năm qua, mỗi năm TP Hồ Chí Minh có hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc. Theo số liệu của Sở Nội vụ TP.HCM, năm 2015 có 1.283 người thôi việc, năm 2017 có 2.671 người, năm 2019 có 2.123 người, năm 2021 có 2.188 người thôi việc. Con số này có xu hướng càng tăng cao.

Tại Đồng Nai, từ năm 2020 đến nay, ngành giáo dục tỉnh có 1.218 giáo viên xin nghỉ việc, ngành y tế có gần 1.000 viên chức xin nghỉ việc, ngoài ra có 130 công chức xin nghỉ việc ở các cơ quan khác. Tương tự, ở Đà Nẵng, Sở Nội vụ TP này cho hay trong 6 tháng qua có 388 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các ban, ngành xin nghỉ việc.

Lĩnh vực có số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc tăng đột biến nhất trong 6 tháng đầu năm nay là y tế. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến hết 6 tháng năm 2022 có 9.397 viên chức xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của sở y tế các tỉnh, thành phố và 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế…

Theo Danviet.vn